Kỹ thuật chiết cành ở cây ăn trái

Bác sĩ nông học - Cũng như cắm hom, chiết (bó) là một phương pháp nhân giống lấy cành làm nguyên liệu. Vì đã có búp sinh trưởng, thân, lá nên vấn đề chính là làm cho cành ra rễ thì sẽ có một cây con hoàn chỉnh.


- Chiết cành khác cắm cành ở chỗ cắm cành thì cắt rời cành khỏi cây mẹ trước khi cành ra rễ, còn chiết cành chỉ cần bóc một khoanh vỏ bó đất, khi cành đã ra rễ mới cắt khỏi cây mẹ. Vì chưa cắt ngay khỏi cây mẹ, cành còn được nuôi một phần bằng nhựa cây mẹ nên cành dễ sống hơn. Có lẽ cũng vì vậy mà phương pháp chiết cành đã được những người trồng vườn áp dụng từ lâu, trước cả ghép.

- Chiết cành là phương pháp cổ truyền dùng cho hầu hết các loài cây ăn quả, ngoại trừ các loài cây chiết khó ra rễ như hồng, bơ, măng cụt, hoặc các cây không cần phải chiết dùng các phương pháp nhân giống khác vừa rẻ vừa nhanh hơn như : đu đủ, chuối, dứa, thanh long ... dâu tây.

1. Một số điều cần lưu ý khi chiết cành

- Cũng như khi cắt cành để cắm, phải chọn cành để chiết trên cơ sở đã chọn cây mẹ. Không chiết cành trên những cây già đã ra hoa quả nhiều lần. Tốt nhất là chiết trên những cây non, đương còn tơ. Chiết những cành ở phần trên của tán cây, chọn cành xiên, ở chỗ có nhiều ánh sáng, cành thô, lá mọc dày, lóng ngắn. Không chiết cành ở đỉnh ngọn, hoặc những cành vượt mọc ở trên thân chính hoặc ở phía chân các cành lớn, vì khó ra rễ do nhiều nước, lóng dài đường bột tích lũy ít. Kích thước cành tùy loài cây, đường kính từ 1 cm đến 3 cm, tuổi cành từ 1 - 3 năm.

- Nên bỏ thói quen chiết cho mình trồng thì chọn những cành quá to vừa lãng phí gỗ ghép, vừa suy kiệt cây mẹ, còn chiết để bán thì tận dụng cả những cành nhỏ ở phía dưới, thậm chí ở trong tán cây, dù có ra rễ, cành sẽ vô giá trị, mọc xấu, còi cọc.

 2. Kỹ thuật chiết cành

- Ở chân cành chiết bóc một khoanh vỏ, chiều dài khoảng 3 - 5 cm, và chiết vào đầu mùa mưa khi nhựa lưu thông mạnh thì rất dễ bóc; lấy lưỡi dao, cạo khẽ lên gỗ, dưới khoanh vỏ đã bóc để làm chết tương tầng có thể làm cho vỏ tái sinh, thành một cầu nối cho nhựa chín ở cành chiết thoát xuống phía dưới, không thuận cho việc ra rễ. Phải cạo toàn bộ mặt gỗ dưới vỏ không bỏ sót chỗ nào, chờ 2 - 3 ngày khi tượng tầng chết mặt gỗ đã khô mới đắp bùn rơm quanh cành ở chỗ đã bóc vỏ phía ngoài bọc giấy nilon, đen càng tốt. Nếu chỉ có nilon tRắng, để tránh sự phát triển của rêu, tảo nên bọc thêm một lớp giấy dày ví dụ vỏ bao xi măng cũ.

- Dây buộc phía trên nên chặt còn phía dưới nên lỏng đề phòng gặp mưa to nếu có nước lọt vào bầu thì thoát đi dễ dàng.

- Đất đắp quanh bầu chủ yếu nhằm giữ ẩm để cành có thể ra rễ ở mép trên vết cắt, rất cần thoáng nhiều oxy nên đất phải xốp. Ở miền Bắc, trước đây thường dùng đất vách đã trộn rơm, đất đã ải, tơi lại thông khí nhờ có rơm - Nay đất rách không còn, có thể dùng đất bùn trộn với rơm và rơm rạ thường chặt vụn. Ở đồng bằng sông Cửu Long cũng dùng bùn trộn rơm nhưng rơm để nguyên, bết thành những dải dài, nối nhau cuốn quanh vết cắt quanh cành rất chặt, khó rớt khi bị đụng chạm, bị mưa gió. Có nơi đơn giản dùng rễ bèo Nhật Bản, cắt bỏ lá cuộn quanh chỗ bóc vỏ, ngoài buộc nilon chống khô.

- Cũng như khi cắm cành, rễ càng ra nhanh ra nhiều nếu dùng chất kích thích như IAA, NAA, IBA tại TT Phân bón cây trồng Đan Phượng - 0988.666.215. Có thể dùng bút lông bôi chất kích thích với nồng độ khoảng 500 - 1000 ppm vào miệng vết cắt ở vỏ phía trên khoanh vỏ được bóc đi (xem hình 2) thành một vòng tròn. Cũng có thể trộn chất kích thích với đất bó chung quanh vết cắt nhưng tốn thuốc hơn.

- Nói chung, so với các biện pháp nhân giống khác phương pháp chiết cành có ưu điểm dễ sống, dễ làm cây con khỏe, mọc nhanh nhưng nhân được ít cây, tốn công tốn của. Phương pháp này chỉ thích hợp với sản xuất nhỏ ở nhiều nước châu Á, nhiều người ít đất, khi chuyển sang sản xuất lớn với mục đích kinh doanh phải tìm biện pháp nhân giống khác.

- Hiện nay ở nước ta chiết cành tuy đã được thay thế dần dần bằng ghép nhưng còn áp dụng khá phổ biến cho những cây như chanh, vải, nhãn, mơ, mận (Prunus), hồng xiêm, khế, gioi ...

>